|

CƠ ĐỐC NHÂN VÀ LUẬT PHÁP? (Ro 7:1-25)

Trong bản chất con người có điều gì đó khiến chúng ta muốn có những hành động cực đoan, một nhược điểm làm cho con cái Chúa không hoàn toàn tự do. “Vì chúng ta được cứu bởi ân điển”, một số người lý luận, “chúng ta được tự do sống tuỳ thích”, đó là thái độ tuỳ tiện.

Số người khác lập luận, “Nhưng chúng ta không thể làm ngơ với luật pháp Đức Chúa Trời được. Chúng ta được cứu nhờ ân điển là điều chắc chắn nhưng chúng ta phải sống dưới luật pháp nếu chúng ta muốn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời”. Đây là thái độ đề cao luật pháp.

Phao-lô trả lời nhóm người đầu tiên trong chương 6, nhóm thứ hai được trả lời trong chương 7. Chữ luật pháp được dùng 23 lần trong chương này. Ở chương 6, Phao-lô dạy chúng ta cách nào thôi không làm điều xấu ở chương 7 ông dạy thế nào không làm điều lành. Ông lý luận, “Anh em không được xưng công bình bởi việc giữ luật pháp, và bạn không thể được thánh hoá do việc gìn giữ luật pháp.”

Mỗi con cái Chúa lớn lên hiểu được kinh nghiệm trong Rô-ma chương 6 và 7. Một khi chúng ta học biết cách “biết, kể mình như là, và qui phục”, chúng ta bắt đầu chiến thắng được các thói quen của xác thịt, và chúng ta cảm thấy rằng chúng ta đang trở nên thiêng liêng hơn. Chúng ta tự lập cho mình các tiêu chuẩn và lý tưởng cao đẹp và dường như trong khoảnh khắc chúng ta đạt được tất cả những điều đó. Rồi mọi sự đổ sập! Chúng ta bắt đầu nhìn lại lòng mình và khám phá ra rằng chúng ta không biết rằng tội lỗi vẫn còn ở đó. Luật pháp thánh khiết của Đức Chúa Trời nhận năng quyền mới, và chúng ta tự hỏi liệu chúng ta có làm điều tốt nào chăng! Không nhận ra điều đó, chúng ta đã bước vào “sự giữ luật pháp” và học biết chân lý về tội lỗi, luật pháp, và về chính chúng ta.

“Làm theo luật pháp” thật sự là gì? Đó là lòng tin rằng tôi có thể trở nên thánh khiết và làm đẹp lòng Đức Chúa Trời bởi việc vâng giữ điều răn. Đó là trình độ thuộc linh được đánh giá qua hàng loạt những việc làm và những việc không làm. Nhược điểm của việc tuân giữ luật pháp đó là thấy những hành vi tội lỗi nhưng không thấy gốc rễ của tội lỗi. Xét đoán theo bề ngoài chớ không theo bề trong. Hơn nữa, người làm theo luật pháp không hiểu mục đích thật sự của luật pháp Đức Chúa Trời và mối quan hệ giữa luật pháp và ân điển.

Trong đời sống của mình tôi đã từng trải qua những mất mát nặng nề về thuộc linh lẫn tình cảm vì đã cố sức sống nếp sống thánh khiết trên những tiêu chuẩn cao. Tôi đã nhận thấy hậu quả của những nổ lực này: hoặc mình trở thành người giả vờ, hoặc là nếm mùi thất bại và chỉ muốn bỏ hết những khát khao sống nếp sống tin kính. Tôi cũng thấy nhiều người tuân giữ luật pháp cực kỳ nghiêm khắc với người khác - họ chỉ trích, không yêu thương và không tha thứ. Phao-lô muốn cho các độc giả của ông tránh được kinh nghiệm nguy hiểm và khó khăn này. Trong Rô-ma chương 7, ông bàn đến ba chủ đề, nếu hiểu và áp dụng sẽ giải thoát chúng ta khỏi việc tuân giữ luật pháp.

1. Thẩm quyền của luật pháp (Ro 7:1-6)

Các câu Kinh Thánh này thực sự tiếp tục việc bàn luận Phao-lô bắt đầu trong Ro 6:15, trả lời cho câu hỏi, “Chúng ta có phạm tội vì không ở dưới luật pháp nhưng dưới ân điển không?”. Ông dùng minh hoạ một người chủ và tên đầy tớ để giải thích cách nào con cái Chúa vâng phục Đức Chúa Trời. Trong phân đoạn này ông dùng minh hoạ người chồng và người vợ để cho thấy người tin Chúa có mối quan hệ mới đối với luật pháp vì họ đã liên hiệp với Chúa Giê-xu Christ.

Minh hoạ này là một hình ảnh đơn giản, nhưng có bài học sâu sắc. Khi một người nam người nữ lập gia đình, họ được kết hiệp để sống với nhau. Hôn nhân là mối liên kết xác thịt (“Cả hai nên một thịt” Sa 2:24) và mối liên kết này chỉ có thể bị phá vỡ do một nguyên nhân thể chất khác. Nguyên nhân ấy là sự chết (Mat 5:31-34  19:1-12 cho thấy rằng không chung thuỷ cũng phá vỡ sự ràng buộc hôn nhân, nhưng Phao-lô không đưa ra điểm này. Ông không có ý bàn luận về hôn nhân và li dị nhưng ông muốn dùng hôn nhân để minh hoạ một quan điểm).

Họ còn sống bao lâu, người chồng người vợ còn ở dưới quyền của luật hôn nhân. Nếu người vợ bỏ chồng và cưới người đàn ông khác, nàng phạm tội ngoại tình. Nhưng nếu người chồng chết, nàng tự do tái giá vì nàng không còn là người vợ nữa. Chính sự chết đã phá vỡ mối liên hệ hôn nhân và để nàng tự do.

Bài học của Phao-lô trong câu 4 đến câu 6 giải quyết xong lập luận. Ông nêu lên hai sự kiện tuyệt diệu để giải thích cho mối quan hệ của con cái Chúa đối với luật pháp

a. Chúng ta chết đối với luật pháp (Ro 7:4)

 - Dường như Phao-lô mâu thuẫn với minh hoạ của ông nhưng không phải vậy. Khi chúng ta chưa được cứu (“trong xác thịt.”, Ro 7:5), chúng ta ở dưới quyền sai khiến của luật pháp Đức Chúa Trời. Chúng ta bị luật pháp ấy lên án Khi chúng ta tin nhận Đấng Christ và làm một cùng Ngài, chúng ta chết đối với luật pháp giống như chúng ta chết đối với xác thịt (Ro 6:1-10). Luật pháp không chết nhưng chúng ta chết.

Nhưng trong hình ảnh Phao-lô minh hoạ về hôn nhân, chính người chồng chết và người vợ lập gia đình trở lại. Nếu bạn và tôi tiêu biểu cho người vợ và luật pháp tiêu biểu cho người chồng, thế thì bài học áp dụng không theo hình ảnh minh hoạ. Nếu người vợ trong minh hoạ chết, phương cách duy nhất nàng có thể lập gia đình trở lại là sẽ phải trở về từ cõi chết. Nhưng đó lại chính xác là điều Phao-lô muốn dạy! Khi tin nhận Đấng Christ, chúng ta đã chết đối với luật pháp nhưng trong Đấng Christ, chúng ta sống lại từ cõi chết và hiện nay chúng ta hiệp làm một với Đấng Christ để sống một nếp sống mới!

Luật pháp đã không chết, vì luật pháp Đức Chúa Trời vẫn còn cai trị trên con người. Chúng ta chết đối với luật pháp, và luật pháp không còn sai khiến chúng ta nữa. Nhưng chúng ta không sống “vô luật pháp” nhưng chúng ta liên hiệp làm một với Đấng Christ, dự phần trong sự sống của Ngài, và vì vậy chúng ta bước đi “trong đời mới”. Ro 8:4 đưa lập luận đến cao điểm: “Hầu cho sự công bình mà luật pháp buộc phải làm được trọn trong chúng ta, là kẻ chẳng noi theo xác thịt, nhưng noi theo Thánh Linh.” Trong nếp sống cũ tội lỗi, chúng ta sanh ra bông trái “sự chết”, nhưng trong nếp sống mới ân điển, chúng ta “sanh bông trái trong Đức Chúa Trời”. “Chết đối với luật pháp” không có nghĩa là chúng ta sống nếp sông vô luật pháp. Điều đó chỉ mang nghĩa là sự thúc đẩy và động lực trong nếp sống chúng ta không xuất phát từ luật pháp: Nó xuất phát từ ân điển của Đức Chúa Trời qua việc hiệp làm một với Đấng Christ.

b. Chúng ta được buông tha khỏi luật pháp (7:6)

- Đây là lời kết luận lô-gíc: Luật pháp không thể thi hành quyền cai trị trên người đã chết. Bản Kinh Thánh chính thức viết như thể luật pháp đã chết nhưng Phao-lô viết “chúng ta đã chết về luật pháp là đều bắt buộc mình...”. Chết có nghĩa là buông tha (lưu ý Ro 6:9-10). Nhưng chúng ta được buông tha để chúng ta có thể hầu việc. Nếp sống Cơ Đốc không phải là nếp sống độc lập và nổi loạn. Chúng ta đã chết đối với luật pháp để chúng ta có thể “hiệp làm một với Đấng Christ”. Chúng ta được buông tha khỏi luật pháp để chúng ta có thể phục vụ Đấng Christ. Chân lý này bác bỏ luận điệu xuyên tạc rằng Phao-lô dạy sự vô luật pháp.

Sự hầu việc Cơ Đốc tương phản với nếp sống cũ tội lỗi có gì khác biệt? Trước tiên, Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời ban năng lực cho chúng ta khi chúngta tìm cách vâng phục và hầu việc Chúa. (Chữ Thánh Linh phải được viết hoa trong câu 6 - “cách mới của Thánh Linh”). Dưới luật pháp, chẳng có sự giúp sức nào cả. Mạng lệnh của Đức Chúa Trời được viết trên bảng đá và được đọc cho dân sự nghe. Nhưng dưới Ân điển, Lời Đức Chúa Trời được chép trong lòng chúng ta (IICo 3:1-3). Chúng ta “bước đi trong đời mới” (Ro 6:4) và hầu việc “trong cách mới của Thánh Linh”. Vậy thì người tin Chúa không còn ở dưới quyền của luật pháp nữa.

2. Công việc của luật pháp (Ro 7:7-13)

Những người phản đối Phao-lô đã sẵn sàng! “Luật pháp có ích gì khi chúng ta không cần đến nữa? Sao, một lời dạy như của bạn lại làm cho Luật Pháp thành tội lỗi à!”. Trong câu trả lời cho sự phản đối ấy, Phao-lô giải thích các công việc của luật pháp, các chức năng vẫn còn hợp với ngày nay.

a. Luật pháp bày tỏ tội lỗi (Ro 7:7)

- “Vì luật pháp cho người ta biết tội lỗi” (Ro 3:20). “Đâu không có luật pháp, thì đó cũng không có sự phạm luật pháp” (Ro 4:15). Luật pháp là cái gương phơi bày cho chúng ta thấy con người bên trong và chỉ cho thấy chúng ta ô uế như thế nào (Gia 1:22-25). Hãy lưu ý Phao-lô không dùng tội giết người, ăn cắp hoặc ngoại tình trong bài sự thảo luận nhưng ông dùng sự tham muốn. Đây là điều cuối cùng trong Mười Điều Răn, và nó khác với chín điều còn lại nó nói đến thái độ bên trong chớ không phải hành động bên ngoài. Sự tham muốn dẫn đến sự vi phạm các điều răn khác! Đó là tội lỗi không thấy được mà hầu hết mọi người chẳng hề nhận ra trong cuộc đời của họ, nhưng luật pháp đã phơi bày điều đó.

Vị Quan Giàu Có trong Mac 10:17-27 là ví dụ hay về việc sử dụng luật pháp để bày tỏ tội lỗi và chỉ cho con người thấy họ cần đến Đấng Cứu Rỗi. Người trai trẻ có nếp sống đạo đức bên ngoài, nhưng chàng ta chẳng bao giờ đối mặt với tội lỗi bên trong. Chúa Giê-xu không dạy cho chàng ta về luật pháp vì luật pháp sẽ cứu anh ta nhưng Ngài dạy anh ta về luật pháp vì chàng trai không nhận ra tình trạng tội lỗi của mình. Quả thật vậy, chàng trai chưa hề phạm tội ngoại tình, không cướp giựt của ai, không làm chứng dối, hoặc sỉ nhục cha mẹ mình nhưng còn tính tham lam thì sao? Khi Chúa Giê-xu dạy chàng ta phải bán của cải mình và bố thí cho kẻ nghèo, chàng ta buồn bã bỏ đi. Điều răn “Ngươi chớ tham lam” đã bày tỏ cho chàng ta thấy mình thật sự là một tội nhân! Thay vì thừa nhận tội lỗi, chàng ta từ chối Đấng Christ và bỏ đi trong sự vô tín.
b. Luật pháp phát sinh tội lỗi (Ro 7:8-9)

 - Vì Phao-lô là một người Pha-ri-si sùng đạo, ra sức vâng giữ luật pháp trước khi trở lại với Chúa, cho nên chúng ta dễ dàng hiểu các câu Kinh Thánh này hơn. (Hãy đọc Phi 3:1-11 và Ga 1:1-24 để có thêm dữ kiện về tiểu sử của Phao-lô trong mối quan hệ của ông đối với luật pháp trong những ngày chưa tin Chúa). Cũng hãy nhớ rằng “sức mạnh của tội lỗi là luật pháp” (ICo 15:56). Vì chúng ta có bản chất tội lỗi, nên luật pháp chắc chắn phát sinh ra bản chất ấy giống như cách thỏi nam châm hút sắt vậy.

Trong bản chất con người có điều gì đó muốn phản đối lại bất cứ khi nào một điều luật được ban ra. Tôi đang đứng trong công viên Lincoln tại Chicago, nhìn thấy các băng ghế được sơn mới lại và tôi chú ý đến một dấu hiệu ghi trên mỗi băng ghế: “Đừng sờ vào”. Khi tôi chăm chú nhìn, tôi thấy có nhiều người cố tình đưa tay sờ vào sơn ướt! Tại sao như vậy? Vì dấu hiệu bảo họ đừng sờ vào! Hãy bảo một đứa bé không đừng lại gần nước, và đó chính là việc nó sẽ làm! Tại sao? “Vì sự chăm về xác thịt nghịch với Đức Chúa Trời, bởi nó không phục dưới luật pháp Đức Chúa Trời, lại không thể phục được.” (Ro 8:7).

Người tin Chúa tìm cách sống theo luật lệ và khuôn phép khám phá ra rằng hệ thống luật lệ của họ chỉ phát sinh thêm tội lỗi và tạo ra thêm nhiều rắc rối. Các Hội Thánh tại Ga-la-ti rất chuộng làm theo luật pháp, và họ gánh lấy mọi rối reng. “Nhưng nếu anh em cắn nuốt nhau, thì hãy giữ, kẻo kẻ này bị diệt mất bởi kẻ khác” (Ga 5:15). Việc vâng giữ luật pháp không làm cho họ thêm thiêng liêng hơn nhưng nó làm cho họ thêm tội lỗi! Vì sao? Bởi luật pháp sinh ra tội lỗi trong bản chất chúng ta.

c. Luật pháp giết chết (Ro 7:10-11)

- “Vậy thì luật pháp nghịch cùng lời hứa của Đức Chúa Trời hay sao? Chẳng hề như vậy, vì nếu đã ban cho một luật pháp có thể làm cho sống, thì sự công bình chắc bởi luật pháp mà đến” (Ga 3:21). Nhưng luật pháp không thể ban sự sống: Luật pháp chỉ phơi bày cho tội nhân thấy rằng họ có tội và bị lên án. Điều này giải thích tại sao Cơ Đốc nhân và Hội Thánh không lớn lên và không sanh bông trái thuộc linh. Họ đang sống theo luật pháp, và luật pháp luôn luôn giết hại. Nhiều điều phải chết hơn là một Hội Thánh khuôn mẫu hãnh diện về “những tiêu chuẩn cao” và cố tìm cách sống theo những tiêu chuẩn ấy bằng sức riêng của mình. Thường thì các thành viên trong Hội Thánh như vậy bắt đầu xét đoán và lên án lẫn nhau, và kết cuộc là Hội Thánh tranh cạnh và rồi chia rẽ để lại sự giận dữ và cay đắng.

Khi người mới tin Chúa lớn lên, họ bước vào mối liên hệ với các triết lý khác nhau của nếp sống Cơ Đốc. Người ấy có thể đọc các sách, tham dự các buổi hội thảo, nghe các băng từ, và thu nhận nhiều thông tin. Nếu họ không cẩn thận, họ sẽ chạy theo người lãnh đạo và chấp nhận các lời dạy của người ấy như là Luật lệ. Việc thực hành này là hình thức tinh vi của việc làm theo luật pháp, và nó giết chết sự trưởng thành thuộc linh. Chẳng có thầy giáo nào có thể thay thế cho Đấng Christ được chẳng có quyển sách nào có thể thay cho Kinh Thánh được. Con người có thể cung cấp thông tin cho chúng ta, nhưng chỉ có Đức Thánh Linh mới có thể cho chúng ta sự sáng và giúp chúng ta hiểu được các chân lý thuộc linh. Đức Thánh Linh soi sáng cho chúng ta và giúp chúng ta chẳng có người hướng dẫn nào thuộc về con người có thể làm điều đó.

d. Luật pháp chỉ ra tình trạng của tội lỗi (Ro 7:12-13)

- Người không được cứu biết rằng có một tội lỗi như vậy nhưng họ không nhận ra tình trạng của tội lỗi. Nhiều Cơ Đốc nhân không nhận biết bản chất thật của tội lỗi. Chúng ta biện hộ cho tội lỗi chúng ta phạm bằng những chữ như “lầm lỗi” hoặc “yếu đuối” nhưng Đức Chúa Trời lên án tội lỗi chúng ta và Ngài tìm cách cho chúng ta hiểu rằng chúng “cực kỳ là tội lỗi”. Cho đến khi chúng ta nhận biết tội lỗi thật sự gớm ghiếc như thế nào, chúng ta sẽ chẳng bao giờ muốn phản đối và muốn sống trong chiến thắng.

Lập luận của Phao-lô ở đây thật tuyệt vời: (1) Luật pháp không mắc tội - Luật pháp là thánh, công bình và tốt lành (2) nhưng luật pháp bày tỏ tội lỗi, làm thức tỉnh tội lỗi, rồi sau đó dùng tội lỗi để làm chết chúng ta nếu có điều nào đó tốt như luật pháp làm thành những kết quả này, thì điều ấy có chỗ nào đó sai trật sai (3) kết luận: hãy xem tình trạng của tội lỗi như thế nào khi nó dùng một điều tốt nào đó như luật pháp để tạo ra những kết quả bi thảm như vậy. Quả thật tội lỗi “cực kỳ ác”. Vấn đề không liên quan đến luật pháp nhưng vấn đề liên quan đến bản chất tội lỗi của tôi. Điều này mở đường cho chủ đề thứ ba trong chương này.

3. Sự bất năng của luật pháp (Ro 7:14-25)

Đã giải thích luật pháp cần phải làm gì, bây giờ Phao-lô giải thích những việc luật pháp không thể làm.

a. Luật pháp không thể thay đổi bạn (Ro 7:14)

- Tính chất của luật pháp được mô tả trong bốn chữ: thánh, công bình, tốt lành và thiêng liêng. Không ai có thể phủ nhận luật pháp là thánh và công bình, vì luật pháp đến từ Đức Chúa Trời thánh khiết hoàn toàn chính trực trong mọi lời nói và việc làm của Ngài. Luật pháp là tốt. Nó bày tỏ cho chúng ta sự thánh khiết của Đức Chúa Trời và giúp chúng ta hiểu chúng ta cần đến Đấng Cứu Rỗi.

Có ý gì khi nói rằng luật pháp là “thiêng liêng”? Có nghĩa là luật pháp nói đến người bề trong, phần thiêng liêng của con người, cũng như các hành động bên ngoài. Trong sự ban cho ban đầu của luật pháp chép trong sách Xuất Ê-díp-tô ký, điểm nhấn mạnh nằm ở các việc làm bên ngoài. Nhưng khi Môi-se trình bày lại luật pháp trong sách Phục-truyền luật lệ ký, ông nhấn mạnh chất lượng bên trong của luật pháp khi nó liên quan đến lòng con người. Điểm nhấn mạnh thuộc linh này được nêu rõ trong Phu 10:12-13. Sự lặp lại của chữ “yêu thương” trong Phục-truyền cũng cho thấy rằng ý nghĩa sâu xa của luật pháp có liên quan đến lòng con người (Phu 4:37  6:4-6  10:12  11:1  30:6,6,20).

Bản chất của chúng ta là xác thịt nhưng bản chất của luật pháp là thiêng liêng. Điều này giải thích tại sao bản chất cũ phản ứng lại với luật pháp như nó đã làm. Người ta nói rõ, “Bản chất cũ không biết luật pháp, bản chất mới không cần đến luật pháp.” Luật pháp không thể biến đổi bản chất cũ nó chỉ có thể cho thấy bản chất tội lỗi con người như thế nào. Người tin Chúa cố tìm cách sống dưới luật pháp sẽ chỉ khơi dậy bản tánh cũ chớ không xoá nó đi.

b. Luật pháp không thể giúp bạn làm điều thiện (Ro 7:15-21)

- Trong phân đoạn này ba lần Phao-lô nói đến tội lỗi ấy ngự trị trong chúng ta (Ro 7:14,18,20). Dĩ nhiên, ông có ý muốn nhắc đến con người cũ. Cũng thật đúng Đức Thánh Linh ngự trong chúng ta và trong Ro 8:1-39 Phao-lô giải thích thế nào Thánh Linh Đức Chúa Trời giúp chúng ta có thể sống trong đắc thắng, một việc luật pháp không thể giúp chúng ta được.

Trong phần này có nhiều đại từ cho thấy tác giả muốn liên hệ vấn đề đến cái tôi. Điều này không nói rằng Cơ Đốc nhân bị chứng tâm thần phân liệt, vì anh ta không phải như vậy. Sự cứu rỗi làm cho con người trở nên trọn vẹn. Nhưng cho thấy rằng tâm trí, ý chí, và thân thể có thể bị bản chất cũ hoặc bản chất mới cai trị, bởi xác thịt hoặc bởi Thánh Linh. Các câu này cho thấy người tin Chúa có hai nan đề nghiêm trọng: (1) họ không thể làm điều thiện mình muốn làm, và (2) họ làm điều xấu mình không muốn làm.

Điều này có nghĩa Phao-lô không thể ngăn chính mình không vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời, có nghĩa là ông ta là kẻ nói dối, trộm cắp và giết người phải không? Dĩ nhiên là không! Phao-lô có ý muốn nói về chính mình ông rằng ông ta không thể vâng theo luật pháp Đức Chúa Trời và ngay cả khi ông ta đã làm theo luật pháp, điều xấu vẫn hiện hữu với ông. Cho dù đã làm điều gì chăng nữa, thì các việc làm của Phao-lô cũng bị tội lỗi làm cho ô uế. Ngay sau khi ông làm hết sức mình, ông đã thừa nhận rằng ông là “đầy tớ vô ích” (Lu 17:10). “Vậy tôi thấy có luật này trong tôi: khi tôi muốn làm lành, thì điều dữ dính dấp theo tôi” (Ro 7:21). Dĩ nhiên, đây là vấn đề khác với vấn đề trong Ro 6:1-23. Vấn đề ở đó là “Làm thế nào tôi có thể thôi làm điều xấu?” còn vấn đề ở đây là “Làm thế nào tôi có thể làm điều thiện được?”

Người theo luật pháp nói, “Hãy vâng giữ luật pháp, bạn sẽ làm điều thiện và sống nếp sống đạo đức”. Nhưng luật pháp chỉ bày tỏ và sanh ra tội lỗi, luật pháp chỉ cho thấy tình trạng của tội lỗi! Tôi không thể vâng giữ luật pháp vì tôi mang bản chất tội lỗi chống lại luật pháp. Cho dù tôi cho rằng tôi đã làm điều thiện, tôi cũng biết rằng điều dữ vẫn hiện diện. Luật pháp là thiện, nhưng do bản chất tôi là xấu! Vì vậy, người vâng giữ luật pháp là sai lầm: Luật pháp không thể giúp chúng ta làm điều thiện được.

c. Luật pháp không thể cho bạn tự do (Ro 7:21-24)

- Tâm trí của người tin Chúa thường bị cám dỗ để suy nghĩ hoặc tự thuyết phục bản thân  rằng: "Tôi sẽ thoát khỏi các tội lỗi cũ này! Bây giờ tôi quyết định tôi sẽ không làm điều này nữa”. Điều gì xảy ra? Anh ta cố hết ý chí và sức lực, và anh ta thành công một thời gian nhưng rồi khi anh ta lơ là, anh ta lại sa ngã trở lại. Tại sao vậy? Vì anh ta ra sức dùng luật pháp chế ngự con người cũ của mình, nhưng luật pháp không thể nào buông tha chúng ta thoát khỏi con người cũ. Khi hành động dưới sự cai trị của luật pháp, bạn chỉ làm cho con người cũ trở nên mạnh mẽ hơn vì “sức mạnh của tội lỗi là luật pháp” (ICo 15:56). Thay vì làm máy phát điện cung cấp cho chúng ta năng lượng để chiến thắng, luật pháp lại là thỏi nam châm hút ra từ chúng ta mọi thứ tội lỗi và băng hoại. Con người bên trong có thể thích thú luật pháp Đức Chúa Trời (Thi 119:35), nhưng con người cũ thích phạm luật pháp Đức Chúa Trời. Người tin Chúa sống dưới sự cai trị của luật pháp trở nên mệt mỏi và nản lòng là lẽ bình thường, và cuối cùng sẽ bỏ cuộc giữa đường! Họ là một tù nhân, thân phận của họ thật “khốn khổ” (Trong tiếng Hy Lạp chữ này cho thấy một người kiệt sức sau trận chiến đấu). Thật chẳng có gì khốn khổ hơn một khi tiêu hao hết sức lực để cố gắng sống nếp sống tốt lành, để rồi chỉ khám phá ra rằng điều tốt nhất bạn làm vẫn chưa tốt đủ!

Có lối thoát nào không? Dĩ nhiên là có! “Cảm tạ Đức Chúa Trời nhờ có Chúa Giê-xu Christ, là Chúa chúng ta Đấng giải cứu tôi!”. Vì người tin Chúa hiệp làm một với Đấng Christ, họ chết đối với luật pháp và chẳng còn thuộc dưới quyền cai trị của luật pháp nữa. Nhưng họ sống cho Đức Chúa Trời và có thể nhận được quyền năng Đức Thánh Linh. Lời giải thích chiến thắng này được chép trong Ro 8:1-39.

Câu cuối trong chương không dạy rằng người tin Chúa sống nếp sống hai mặt: sống trong xác thịt tội lỗi nhưng hầu việc Đức Chúa Trời bằng tâm trí. Điều này có nghĩa thân thể của họ được sử dụng hai cách khác nhau cùng một lúc, điều này không thể được. Người tin Chúa nhận ra rằng có sự giằng co xảy ra bên trong anh ta giữa xác thịt và Thánh Linh (Ga 5:16-18), nhưng họ biết rằng hoặc xác thịt hoặc Thánh Linh sẽ làm chủ.

Dùng chữ “trong trí” Phao-lô muốn nói đến “người bên trong” (Ro 7:22) trái với “xác thịt” (Ro 7:18). Ông nói rõ ý nghĩ này trong Ro 8: 5-8. Người cũ không thể làm điều thiện nào cả. Mọi điều Kinh Thánh dạy về con người cũ đều tiêu cực: “chẳng có điều gì tốt” (Ro 7:18) “không để lòng tin cậy trong xác thịt” (Phi 3:3). Nếu chúng ta nhờ cậy vào năng lực của xác thịt, chúng ta không thể hầu việc Đức Chúa Trời, làm đẹp lòng Ngài, hoặc làm bất cứ điều gì tốt cả. Nhưng nếu chúng ta vâng phục Đức Thánh Linh, chúng ta nhận được năng lực cần có để vâng theo ý muốn Ngài. Xác thịt chẳng bao giờ phục vụ luật pháp Đức Chúa Trời vì xác thịt nghịch thù với Đức Chúa Trời. Nhưng Thánh Linh chỉ có thể vâng theo luật pháp của Đức Chúa Trời! Do đó, bí quyết của việc làm điều lành là phải vâng phục Đức Thánh Linh.

Phao-lô đưa ra điều này trong những câu đầu tiên của chương này khi ông viết “...hầu cho chúng ta được kết quả cho Đức Chúa Trời” (Ro 7:4). Giống như khi chúng ta chết đối với người cũ, chúng ta cũng chết với luật pháp. Nhưng chúng ta hiệp làm một với Đấng Christ và sống trong Đấng Christ, và vì vậy chúng ta có thể kết quả cho Đức Chúa Trời. Chính việc hiệp một với Đấng Christ giúp chúng ta có thể hầu việc Đức Chúa Trời cách vui lòng. “Vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài.” (Phil 2:13). Điều đó giải quyết nan đề của Phao-lô trong Ro 7:18: ”Bởi tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn.”

Con người cũ không biết điều luật nào và bản chất mới không cần đến luật pháp. Làm theo luật pháp khiến người tin Chúa bị khốn khổ vì nó gây cho con người mới đau buồn và làm cho bản chất cũ thêm tồi tệ! Người tuân giữ luật pháp trở thành người theo phái Biệt Lập có hành động bên ngoài được mọi người chấp nhận, nhưng những thái độ trong lòng bị người đời khinh khi. Chẳng có gì lạ khi Chúa Giê-xu gọi họ là “mồ mã tô trắng bề ngoài cho đẹp, mà bề trong thì đầy xương người chết và mọi thứ dơ dáy” (Mat 23:27). Quả thật bạn có thể chịu khốn khổ là dường nào!

Tác giả: Joshua Pham




Đăng bởi Joshua Phạm on 20:52. Chuyên Mục: , , . * Lưu ý: - Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu khi viết bình luận. - Nội dung phải liên quan đến chủ đề bài viết. - Không dùng lời lẽ khích bác, thô tục ảnh hưởng đến người khác. - Không đặt link đến Blog/Web khác. - Những góp ý, thắc mắc không liên quan các bạn vui lòng post tại Phòng Phản Hồi. Phòng Phản Hồi. Thân ái! BBT VRF

BÀI MỚI

KHẨU HIỆU

free counters
Free counters
LÊN ĐẦU TRANG